Trang chủ Biểu mẫu Hành chính Trường hợp nào phải xin Phiếu lý lịch tư pháp

Trường hợp nào phải xin Phiếu lý lịch tư pháp

Trong thời hạn từ 10-15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ, nếu hồ sơ hợp lệ thì công dân sẽ được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Trường hợp nào phải xin Phiếu lý lịch tư pháp? Phiếu lý lịch tư pháp là loại giấy tờ có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản. Kết hợp với quy định tại Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp 2009 có thể thấy, việc xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp là quyền của công dân và sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của người dân. Để biết thêm chi tiết, hãy theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi.

Trường hợp nào phải xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp 

Căn cứ Khoản 4 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp 2009, Phiếu lý lịch tư pháp được định nghĩa là loại phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.

Ngoài ra, Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định về quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp như sau:

– Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình.

–  Cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.

– Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Như vậy, công dân  Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam; Cơ quan tiến hành tố tụng; và Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Trên thực tế, công dân hay các tổ chức, cơ quan liên quan khác sẽ chỉ xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp khi họ có nhu cầu. Ví dụ, công dân cần xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp để thực hiện các thủ tục hành chính mà pháp luật quy định trong hồ sơ bắt buộc phải có Phiếu lý lịch tư pháp. Hay cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xin cấp Phiếu Lý lịch tư pháp khi cần sử dụng để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử,v.v.

Cụ thể, căn cứ Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, Luật Nuôi con nuôi 2010, Luật Công chứng 2014 và Luật Luật sư 2006, trong một số trường hợp dưới đây người dân sẽ cần xin cấp Phiếu Lý lịch tư pháp:

Thứ nhất: Xin cấp Giấy phép lao động

Căn cứ quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành, người nước ngoài muốn được làm việc hợp pháp tại Việt Nam thì phải có Giấy phép lao động, trừ các trường hợp được miễn. Theo đó, để xin Giấy phép lao động, doanh nghiệp đứng ra bảo lãnh cho người lao động nước ngoài phải chuẩn bị và nộp 01 bộ hồ sơ tại Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trong đó, Phiếu lý lịch tư pháp được cấp không quá 06 tháng, kể từ ngày cấp đến ngày nộp hồ sơ là một trong những giấy tờ bắt buộc phải có trong hồ sơ đề nghị xin cấp Giấy phép lao động (Khoản 3 Nghị định 152/2020/NĐ-CP).

Thứ hai: Làm hồ sơ xin nhập, thôi và trở lại quốc tịch Việt Nam

Theo Điều 20, Điều 24 và Điều 28 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, hồ sơ xin nhập, thôi và trở lại quốc tịch Việt Nam phải có Phiếu lý lịch tư pháp được cấp không quá 90 ngày kể từ ngày cấp đến ngày nộp hồ sơ.

Thứ ba: Trường hợp xin nhận con nuôi

Căn cứ Điều 17, Điều 31 Luật nuôi con nuôi 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành, hồ sơ của người xin nhận con nuôi bắt buộc phải có Phiếu lý lịch tư pháp được cấp chưa quá 06 tháng kể từ ngày đến ngày nộp hồ sơ.

Thứ tư: Hồ sơ xin cấp Chứng chỉ hành nghề Luật sư

Theo Điều 17 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi, bổ sung 2012, người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư muốn được cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư phải có hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề gửi Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư nơi đăng ký tập sư. Trong đó, thành phần hồ sơ bắt buộc phải có Phiếu lý lịch tư pháp.

Thứ năm: Làm hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Công chứng viên

Căn cứ Điều 12 Luật Công chứng 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành, người đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật có quyền đề nghị Bộ trưởng Bộ tư pháp bổ nhiệm công chứng viên. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Công chứng viên được gửi đến Sở tư pháp nơi người đề nghị bổ nhiệm Công chứng viên đã đăng ký tập sự hành nghề công chứng. Trong đó, hồ sơ phải bao gồm Phiếu lý lịch tư pháp của người đề nghị bổ nhiệm.

Thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp như thế nào?

Công dân có nhu cầu xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp cần chuẩn bị và nộp 01 bộ hồ sơ tại Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Theo đó, trình tự, thủ tục xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp bao gồm các bước như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Theo đó, thành phần hồ sơ xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp bao gồm:

– Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo mẫu ban hành đính kèm theo Thông tư 16/2013/TT-BTP. Trường hợp cá nhân tự mình trực tiếp thực hiện thủ tục thì sử dụng mẫu số 03/2013/TT-LLTP. Nếu ủy quyền cho người khác để xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì sử dụng mẫu số 04/2013/TT-LLTP. Lưu ý, Cá nhân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu (trừ cha, mẹ của người chưa thành niên yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cho con).

–  Bản chụp Chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân/Hộ chiếu của người xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Trường hợp nộp bản chụp thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu. Nếu không có bản chính để đối chiếu thì nộp bản sao có chứng thực theo quy định của pháp luật.

– Văn bản ủy quyền trong trường hợp ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1. Trường hợp người được ủy quyền là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người ủy quyền thì không cần văn bản ủy quyền nhưng phải có giấy tờ để chứng minh mối quan hệ, như giấy khai sinh; giấy đăng ký kết hôn; hộ khẩu gia đình, v.v. Đối với văn bản ủy quyền phải được công chứng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

– Giấy tờ pháp lý (Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu) của người được ủy quyền.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Người xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp nộp hồ sơ tại Cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo đó, nếu người xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp là (i) Công dân Việt Nam mà không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú; và (ii) Người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam, thì nộp hồ sơ tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.

Nếu người xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp là (i) Công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú ở trong nước; (ii) Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài; và (iii) Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam, thì nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp nơi cư trú.

Về phương thức nộp hồ sơ: Người dân xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp có thể nộp hồ sơ theo một trong các cách sau đây: (i) Nộp trực tiếp tại Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; hoặc (ii) Nộp qua đường bưu điện. Ngoài ra, hiện nay người dân cũng có thể xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp online bằng cách truy cập website: https://lltptructuyen.moj.gov.vn/. Tại đây, người xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp điền các trường thông tin tương ứng theo hướng dẫn.

Bước 3: Nhận kết quả

Trong thời hạn từ 10-15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ, nếu hồ sơ hợp lệ thì công dân sẽ được cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Người xin cấp Phiếu có thể nhận kết quả trực tiếp tại Cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp hoặc nhận kết quả thông qua đường bưu điện.

Trên đây là nội dung bài viết “Trường hợp nào phải xin Phiếu lý lịch tư pháp” mà chúng tôi gửi đến bạn đọc. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ.

->>>> Tham khảo thêm: Văn phòng công chứng

->>>> Tham khảo thêm: Công chứng vi bằng

Đánh giá bài viết:
5/5 - (43 bình chọn)