Trang chủ Tìm hiểu pháp luật Doanh nghiệp Thủ tục thành lập hộ kinh doanh cá thể

Thủ tục thành lập hộ kinh doanh cá thể

Thủ tục thành lập hộ kinh doanh cá thể đơn giản hơn so với thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên đối với những người chưa có kiến thức pháp luật về hộ kinh doanh và thủ tục thành lập thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện do đó cần phải tìm hiểu kỹ trước khi thực hiện.

Hộ kinh doanh cá thể là một mô hình kinh doanh tương đối đơn giản và phổ biến hiện nay. Trong nội dung bài viết dưới đây chúng tôi sẽ hướng dẫn chi tiết hơn về Thủ tục thành lập hộ kinh doanh cá thể.

Hộ kinh doanh cá thể là gì?

Hộ kinh doanh cá thể là hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ.

Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.

Chủ thể có quyền thành lập hộ kinh doanh cá thể gồm cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự có quyền thành lập hộ kinh doanh. Trừ các trường hợp sau đây:

– Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

– Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;

– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Như vậy mọi cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật dân sự đều có quyền thành lập hộ kinh doanh trừ các trường hợp như đã nêu ở trên.

Hộ kinh doanh cá thể có nhiều ưu thế hơn so với việc thành lập doanh nghiệp như về thủ tục góp vốn, hồ sơ đăng ký kinh doanh và nội dung đăng ký kinh doanh.

Hộ kinh doanh cá thể chỉ bắt buộc kê khai một số thông tin như: Tên chủ thể hộ kinh doanh; địa điểm kinh doanh; ngành nghề đăng ký kinh doanh; vốn và số lượng lao động của hộ kinh doanh. Việc này giúp cho hộ kinh doanh cá thể tiết được được chi phí và thời gian đối với việc thành lập.

Thủ tục thành lập hộ kinh doanh cá thể như thế nào?

Thủ tục thành lập hộ kinh doanh cá thể như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ thành lập hộ kinh doanh cá thể

Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình đáp ứng đủ các điều kiện về chủ thể thành lập hộ kinh doanh cá thể chuẩn bị hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cá thể.

Hồ sơ bao gồm: Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh; Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh; Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.

Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ như trên tiến hành nộp hồ sơ tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh.

Bước 3: Nhận kết quả

Khi tiếp nhận hồ sơ thì Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.

Một số lưu ý khi thành lập hộ kinh doanh cá thể

Thủ tục thành lập hộ kinh doanh cá thể đơn giản hơn so với thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên đối với những người chưa có kiến thức pháp luật về hộ kinh doanh và thủ tục thành lập thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện do đó cần phải tìm hiểu kỹ trước khi thực hiện.

Cần lưu ý về đối tượng được đăng ký hộ kinh doanh. Các đối tượng được quyền thành lập hộ kinh doanh cá thể là cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. (Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP).

Một người chỉ được đứng tên duy nhất một hộ kinh doanh, xét trên phạm vi cả nước. Nếu người này đã là chủ một hộ kinh doanh trước đó, mặc dù đã không kinh doanh từ rất lâu nhưng vẫn chưa tiến hành thủ tục giải thể thì người này không thể đứng tên trên hộ kinh doanh mới (muốn đăng ký hộ kinh doanh mới phải giải thể hộ kinh doanh cũ).

Lưu ý về cách đặt tên hộ kinh doanh. Thực tế thấy được rằng các cửa hàng buôn bán tự phát chưa đăng ký hộ kinh doanh khi thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh thì tên cửa hàng cũ có thể phải thay đổi hoặc không.

Tên của cửa hàng cũ sẽ phải thay đổi trong trường hợp tên cửa hàng đã được một hộ kinh doanh khác đăng ký trước đó. Nếu tên cửa hàng đó chưa có hộ kinh doanh nào đăng ký thì vẫn được quyền sử dụng tên đó.

Ngoài những vấn đề trên khi thành lập hộ kinh doanh còn cần lưu ý thêm những vấn đề như địa điểm đăng ký kinh doanh, vốn điều lệ khi đăng ký hộ kinh doanh cá thể, số lượng lao động tối đa của hộ kinh doanh và ngành nghề đăng ký kinh doanh,…để việc thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh được thực hiện một cách nhanh chóng nhất.

->>>>>> Tham khảo thêm: Thay đổi người đại diện theo pháp luật

->>>>>> Tham khảo thêm: Thay đổi ngành nghề kinh doanh

Đánh giá bài viết:
5/5 - (29 bình chọn)