Trang chủ Tìm hiểu pháp luật Sở hữu trí tuệ Các nguyên tắc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

Các nguyên tắc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

Quyền ưu tiên sẽ được áp dụng khi có ít nhất 2 đơn cùng đăng kí để bảo hộ cho cùng một sáng chế, kiểu dáng công nghiệp hay nhãn hiệu.

Nguyên tc nộp đơn đầu tiên 

Con người luôn muốn nâng cao hiểu biết về thế giới tự nhiên, khám phá quy luật của thế giới tự nhiên để phục vụ cho lợi ích của mình. Trong quá trình tìm tòi, sáng tạo có thể nhiều người, nhiều tổ chức cùng quan tâm đến một vấn đề và họ đầu tư trí tuệ cũng như vật chất để tạo ra cùng một sản phẩm hoặc kết quả của sáng tạo tương tự nhau. Do tính chất không thể chiếm hữu của người tạo ra sản phẩm, do đó đối tượng sở hữu công nghiệp chỉ được bảo hộ khi có văn bằng bảo hộ. Vì vậy, trong số những người tạo ra đối tượng sở hữu công nghiệp, pháp luật chỉ có thể bảo hộ người đầu tiên đăng kí bảo hộ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, để bảo vệ những người đã tạo ra đối tượng bằng lao động sáng tạo của mình, pháp luật quy định người có quyền sử dụng trước đối tượng sở hữu công nghiệp. Khác với quyền tác giả, việc tạo ra tác phẩm cũng là kết quả sáng tạo tinh thân những tác phẩm không thể lặp lại, tác phẩm được bảo hộ ngay khi được thể hiện dưới hình thức nhất định, do vậy trong quyền tác giả không có quyền ưu tiên.

| Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên được áp dụng khi có nhiều người khác nhau cùng nộp đơn đăng kí bảo hộ cho một sáng chế hoặc đăng kí các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau; hoặc đăng kí các nhãn hiệu mà sự thể hiện của chúng được đánh giá trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn được dùng cho các hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự với nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho đơn nào đáp ứng được các điều kiện: Phải là đơn hợp lệ; có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số tất cả những đơn đó. Ngày nộp đơn là ngày đơn được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiếp nhận hoặc là ngày nộp đơn quốc tế đối với đơn được nộp theo điều ước quốc tế.

– Trong trường hợp có nhiều đơn đăng kí đều đáp ứng tất cả các yêu cầu trên thì những người nộp đơn phải thoả thuận với nhau để chọn ra một người được nhân văn bằng bởi văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp chỉ được cấp cho một chủ thể duy nhất; nếu họ không thoả thuận được thì tất cả các đơn đều bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ. Cơ quan nhà nước không thể cấp chung một văn bằng cho tất cả các đơn coi như họ đồng sở hữu chủ đối với văn bằng được bởi họ đã không thực sự cùng tạo ra hay đầu tư để tạo ra các đối tượng sở hữu công nghiệp đó (xem khoản 3 Điều 86 Luật sở hữu trí tuệ), trừ trường hợp có sự thoả thuận khác.

Nguyên tắc ưu tiên khi xét đơn yêu cầu bảo hộ 

Quyền ưu tiên sẽ được áp dụng khi có ít nhất 2 đơn cùng đăng kí để bảo hộ cho cùng một sáng chế, kiểu dáng công nghiệp hay nhãn hiệu. Nguyên tắc quyền ưu tiên đã được ghi nhận tại Điều 4 Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp và được quy định tại Điều 91 Luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Theo đó, yêu cầu hưởng quyền ưu tiên của người nộp đơn sẽ được chấp nhận nếu đáp ứng được các điều kiện sau:

– Người nộp đơn là công dân Việt Nam hoặc công dân của nước thành viên của Công ước Paris hoặc cư trú, có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc tại nước thành viên của công ước đó;

– Đơn đầu tiên đã được nộp tại Việt Nam hoặc tại nước thành viên của Công ước Paris và đơn có chứa phần tương ứng với yêu cầu hưởng quyền ưu tiên của đơn đăng kí sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu;

– Đơn đăng kí được nộp trong thời hạn sau đây kể từ ngày nộp đơn đầu tiên: 6 tháng đối với đơn đăng kí nhãn hiệu hoặc kiểu dáng Công nghiệp, 12 tháng đối với đơn đăng kí sáng chế. Thời hạn ưu tiên bắt đầu kể từ ngày nộp đơn đầu tiên, ngày nộp đơn đầu tiên đó không tính trong thời hạn ưu tiên. Nếu ngày cuối cùng của thời hạn ưu tiên là ngày lễ chính thức hoặc ngày cơ quan sở hữu công nghiệp không nhận đơn tại nước có yêu cầu bảo hộ, thời hạn ưu tiên sẽ được kéo dài tới ngày làm việc đầu tiên tiếp theo đó;

– Trong đơn đăng kí người nộp đơn có nêu rõ yêu cầu hưởng quyền ưu tiên và phải nộp bản sao đơn đầu tiên trong trường hợp nộp tại nước ngoài, trong đó có xác nhận của Cơ quan nhận đơn đầu tiên;

– Nộp đủ lệ phí yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.

Trong trường hợp người nộp đơn đăng kí sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu muốn hưởng quyền ưu tiên theo điều ước quốc tế khác, yêu cầu hưởng quyền ưu tiên sẽ được chấp nhận nếu đáp ứng được các điều kiện về quyền ưu tiên quy định trong điều ước đó.

Đánh giá bài viết:
5/5 - (19 bình chọn)